Bảo tồn hệ thống y tế TP Hồ Chí Minh

Chiều hôm qua, Sở Y tế TPHCM đã có buổi tập huấn về chăm sóc người nhiễm virus Vũ Hán tại nhà. Đây là một bước tiến mới để giảm thiểu số tử vong do dịch viêm phổi Vũ Hán. 

Về vấn đề chăm sóc người nhiễm virus Vũ Hán tại nhà, có thể nói Sở Y tế TPHCM đã có nhiều cố gắng trong việc ra các văn bản hướng dẫn, cập nhật phần mềm theo dõi. Tuy nhiên, theo tôi, lực lượng y tế phường hiện nay đã quá tải với hàng núi công việc. Chính quyền cần vận động thêm các lực lượng khác tham gia.

Tôi đã có ý định tổ chức các nhóm thiện nguyện giúp việc này, nhưng khi nhóm “Giúp nhau mùa dịch” của BS Phan Xuân Trung bị đánh sập, thì thấy rằng nhà nước không muốn các nhóm tự phát hoạt động. Vậy thì nhà nước cần kêu gọi mọi người tham gia, như việc chích vaccine hiện nay. Chỉ có lưu ý, nếu nhà nước đã kêu gọi, thì cần có chế độ đi kèm cụ thể.

Tuy nhiên, vấn đề tôi muốn nói hôm nay không phải việc này, mà là việc bảo tồn hệ thống y tế TPHCM

Hệ thống y tế điều trị của TPHCM là một hệ thống mạnh, về số lượng cũng như về chất lượng. Bình thường, hệ thống này không chỉ khám chữa bệnh cho khoảng 10 triệu dân thành phố, mà còn bao phủ cho cả miền Đông và miền Tây Nam bộ, một phần Tây Nguyên, một phần miền Trung và một phần Campuchia. Ngoài ra, không ít người dân ở các vùng khác của đất nước, kiều bào ở nước ngoài, và cả người nước ngoài, cũng đến TPHCM khám chữa bệnh.

Vậy nhưng, chỉ mới có 2 tháng của vụ bùng phát dịch lần này, hệ thống hùng mạnh ấy gần như tê liệt. Ngày nào tôi cũng nhận được hàng chục cuộc gọi hoặc tin nhắn, yêu cầu giúp đỡ để những người bệnh được đến bệnh viện cứu chữa, để tìm giúp họ một bệnh viện nào đó còn nhận bệnh. Mà họ là những bệnh nhân bị các bệnh khác, không liên quan đến viêm phổi Vũ Hán.

Có vẻ như mấy tháng nay, tại TPHCM, chúng ta chỉ có một loại bệnh, và cũng chỉ một loại bệnh ấy được lưu tâm: nhiễm virus Vũ Hán. Các loại bệnh khác gần như không còn được quan tâm. Trong khi đó thì ở các bệnh viện, những khu vực không dành cho dịch viêm phổi Vũ Hán rất trống trải. 

Cũng may là nhiều nơi, do lãnh đạo quá sợ, hiểu biết về dịch kém, đưa ra qui định hành dân bằng “giấy thông hành xét nghiệm”, nên các cơ sở y tế còn có chỗ để kiếm tiền nuôi quân. Và không biết có phải vì để kiếm tiền nuôi quân, mà một số cơ sở y tế lạm dụng xét nghiệm tầm soát virus Vũ Hán đối với người đến bệnh viện mình khám chữa bệnh, vừa bắt buộc test nhanh, vừa bắt buộc phải thực hiện test PCR, gây tốn kém và mất thời gian cho người bệnh.

Trong khi đó thì do phong tỏa, gần như toàn bộ phương tiện lưu thông công cộng bị cấm hoạt động, cắt đứt đường đến bệnh viện của hầu hết người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh tại TPHCM, nên các phòng khám tư nhân (nơi tập trung về khám chữa bệnh ban đầu), không thể hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng, bám víu vào một số dịch vụ để có doanh thu nhỏ giọt.

Người có bệnh cần đến bệnh viện thì không đến được. Các trường hợp khẩn cấp, hoặc không thể bỏ qua điều trị định kì, tiếp cận được bệnh viện thì lại vấp phải rào cản test, đôi khi nhiều tầng. Trong khi đó thì các bệnh viện lại trống rỗng, nhiều nhân viên y tế không có việc làm. Nhân viên y tế công còn được hưởng lương. Nhân viên y tế tư nhân, hoặc chia ca để mỗi người làm một ít, hoặc không có thu nhập.

Để phục hồi hệ thống y tế TPHCM, một trong các việc cấp bách cần thực hiện để tránh vỡ trận trong mùa dịch, nhà nước cần phải:

- Phục hồi hệ thống vận chuyển xã hội, ít nhất là phục vụ cho khám chữa bệnh, bất kể cấp cứu hay không, và cho các dịch vụ thiết yếu khác.

- Ra qui định cụ thể cho các cơ sở y tế, cần làm test sàng lọc, nhưng chỉ được làm test nhanh. Chỉ trường hợp nghi ngờ mới thực hiện test PCR, tránh làm mất thời gian và tốn kém tiền bạc cho người bệnh.

- Chính quyền cần có kênh để thu nhận phản ánh của người dân, kịp thời xử lí những bệnh viện từ chối nhận cấp cứu. Đồng thời, xử lí những hành vi ngăn cản người đi khám chữa bệnh của các chốt gác.

- Những bệnh viện lớn, những bệnh viện chuyên khoa, cần có khu vực điều trị cho bệnh nhân bị những bệnh khác nhưng bị nhiễm virus Vũ Hán.

- Nhà nước, khi điều động nhân sự từ các cơ sở y tế, nơi ngân sách không trả lương, cần phải có chính sách chi trả công hợp lí, cùng với việc cung cấp đầy đủ trang thiết bị và vật tư y tế cần thiết.

Việc bảo tồn hệ thống y tế là công việc cần ưu tiên hàng đầu trong chống dịch, vừa bảo đảm khả năng chống dịch, vào phục vụ an sinh.

Theo bác sĩ Võ Xuân Sơn


0 Nhận xét