"I have my two cents"Thành ngữ này nghĩa là "tôi xin có ý kiến", ý kiến của tôi chỉ đáng giá 2 xu nhưng cũng xin đóng góp.Tôi xin đóng góp 2 xu của tôi về vấn đề "Chống Covid - phòng thủ hay tấn công?"
![]() |
Chống Covid - phòng thủ hay tấn công? |
Đầu mùa dịch thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải chuyển từ phòng thủ sang tấn công và hài hòa giữa 2 giải pháp. Mỗi người hiểu một kiểu khác nhau về thông điệp này. Tôi xin lý giải về thông điệp này theo thiển ý của tôi.
GIẢI PHÁP PHÒNG THỦ
Hầu như cho đến nay, mọi giải pháp mà nhà nước đang áp dụng là phòng thủ, từ 5K cho đến các chỉ thị 15, 16...
Xem xét 5 K trước nhé:
- Khẩu trang: toàn thế giới đeo khẩu trang, nhưng dịch vẫn cứ xảy ra. Khẩu trang chỉ giúp ngăn ngừa giọt bắn trực tiếp từ người này sang người khác chứ không ngăn được virus "hòa tan" trong không khí dưới dạng Aerosol. Trong không gian kín thì mật độ hạt virus cao hơn ở môi trường thoáng khí. Vậy, khẩu trang là một giải pháp phòng thủ yếu ớt nhất.
- Khoảng cách: dựa trên lý luận là virus lây qua giọt bắn. Người ta phun nước miếng không xa quá 2m. Vì vậy đứng cách nhau 2m thì được cho là an toàn. Thực tế thì trong một phòng họp kín, diễn giả F0 vẫn có thể lây cho người ngồi ở cuối phòng, cách diễn giả đến 10m. Vậy khoảng cách là một giải pháp phòng thủ mang tính tránh né, vẫn không có tác dụng trong không gian kín.
- Không tụ tập đông người. Tất nhiên người đứng gần nhau thì dễ gây lây nhiễm hơn. Điều này với "khoảng cách" có chung nội dung. Tuy nhiên, một F0 vào thang máy hay nhà vệ sinh, thở ra vô số virus ở trong đó. Người bước vào sau sẽ lãnh đủ. Vậy thì sao? Đâu có tụ tập trong thang máy đâu mà vẫn bị lây nhiễm. Đây là giải pháp phòng thủ đúng nhưng không chắc chắn cho mọi hoàn cảnh.
- Khử khuẩn: khử bằng cách nào? Nước rửa tay xịt chán chê, xe chạy phun Chloramin khắp phố phường... thì đã giải quyết được gì? Nay Bộ Y tế đã ra văn bản rằng việc phun xịt, khử khuẩn đó không có tác dụng diệt virus mà còn gây độc hại, ảnh hưởng xấu đến môi sinh.
- Khai báo: uhm... không hiểu đế làm gì. Hình như để truy vết. Nhưng có bao nhiêu ca được phát hiện qua khai báo? Tương tự như vậy, đo thân nhiệt và Bờ lu zôn có đóng góp được cho việc phòng tránh hay không? Không thấy số liệu nào nói về chuyện này.
WHO cũng có 5 điều hướng dẫn, giống với 5K hết 3 điều, họ không có Khai Báo và không có "Không tụ tập" mà có khuyên "Mở cửa sổ" và "Ho vào khuỷu tay áo". 5K của ta không có điều về mở cửa số, tức là thoáng khí hay ho vào tay áo như của WHO. Có vẻ như 5K là một sản phẩm tư duy lớn, quá tròn trịa nên không được thay đổi.
Các chỉ thị 15, 16, 16plus, 16pro, 16pro max... cũng chỉ nhằm tăng cường cho giải pháp Khoảng Cách trong 5K. Thực tế thì các chỉ thị này có kết quả đến đâu thì nhìn vào con số F0 tăng theo từng chỉ thị cũng đủ rõ. Đến nay thì chẳng thể đếm được nữa rồi vì F0 nguyên nhà và chết tại nhà mà không được đếm vào số thống kê.
Các giải pháp phòng thủ và né tránh đã tỏ ra kém hiệu quả.
Bây giờ ta nói đến giải pháp tấn công.
Nhiều khẩu hiệu nêu lên "Chống dịch như chống giặc", "Chuyển từ phòng ngự sang tấn công", "Phải quyết liệt hơn nữa"...
Thế nhưng câu hỏi là: Giặc là gì? Tấn công ai? Tấn công cái gì? Tấn công ở đâu? Tấn công ra sao? Tấn công bằng cách nào?...
Thủ tướng bảo tấn công mà không chỉ giúp cho quan chức biết nên làm gì. Có người xem F0 và F1 là... giặc và mọi giải pháp đều nhằm vào họ. Họ lẽ ra phải là người được giúp đỡ thì lại trở thành những nạn nhân của giải pháp chống dịch khiến cho dân chúng điêu đứng vì bị dán nhãn có chữ F.
Giải pháp cách ly tập trung F1 và F0. Về lý thuyết thì lấy lửa ra khỏi rơm để cứu rơm khỏi lửa. Quá đúng. Nhưng khi thực hiện thì người ta dời nguyên đống rơm có lửa ra khỏi vị tri của nó từ nơi này sang nơi khác. Ví dụ như trận dịch ở Hải Dương hay Bắc Giang, Bắc Ninh. Các công nhân được di dời hết vào khu cách ly. Điều gì xảy ra sau đó thì mọi người đã thấy hết rồi đó. Rơm cháy gần hết!
Tương tự như vậy, phong tỏa vùng có F0, nghĩa là bao vây đống rơm lại, rơm trong vòng vây được quyền cháy hết. Những gia đình trong vùng phong tỏa lây nhiễm cho nhau, nhiễm nguyên nhà, nhiễm nguyên khu hẻm.
Cách ly tập trung và phong tỏa là giải pháp phòng thủ tệ hại nhất, tạo ra nhiều F0 nhất. Lẽ ra chỉ cách ly lửa và giải tán tất cả rơm ra khỏi lửa thì người ta làm ngược lại, gom rơm vào chung với lửa. Đã vậy còn bảo dân đóng kín cửa, tạo ra thêm không gian kín ở nơi có dịch. Dân chịu chết vì không lối thoát!
Có ai đếm trong số những người chết do COVID kia có bao nhiêu người bị nhiễm từ khu cách ly và khu phong tỏa? Họ là kết quả của một giải pháp cực đoan. Buồn!
Có người nói, nếu không cách ly, không phong tỏa thì để cho lây lan ra toàn xã hội à? Hiểu như vậy cũng đúng, F0 đi lung tung, lây lung tung thì sao? Xem cái thống kê của thế giới thì 99% lây ở trong không gian kín và 1% lây ở ngoài đường. Vậy thì chính việc tạo ra không gian kín từ khu tập trung và khu phong tỏa mới là điều kiện gây lây lý tưởng. Ai đó đã nói những nơi như vậy là lò ấp F0 không sai chút nào.
Tôi cũng đưa ra một vài giải pháp mang tính phòng thủ đó là nên ra nơi thoáng gió, bật quạt xoay, làm ấm không khí, giãn cách gia đình... Những giải pháp này cũng mang tính phòng thủ.
Thế còn vaccine thì sao? Đây là cũng là giải pháp phòng thủ luôn. Vaccine tạo ra miễn dịch để làm nhẹ triệu chứng và giảm tử vong. Vaccine không làm giảm lây nhiễm. Các nghiên cứu mới cho thấy người đã tiêm và chưa tiêm vaccine thì đều có khả năng lây nhiễm như nhau. Vaccine vào người qua da, vào máu, kích thích cơ thể tạo miễn dịch. Còn virus thì ưa xâm nhập mũi để sinh sản. Sau khi sinh sản đủ cơ số thì 50% con lên núi và 50% con xuống biển, nghĩa là một số phóng thích ra ngoài để tiếp tục chu kỳ lây lan - sinh sản và một số xâm nhập hô hấp dưới hoặc vào máu để gây bệnh.
Đến đây thì đuối vì phòng thủ rồi, mọi giải pháp hầu như vô hiệu.
Thế thì có tấn công được "giặc" không?
Trước hết phải xác định xem "giặc" là ai? Giặc không phải là F0, F1. Giặc là virus Sars Cov-2.
Thế có tấn công được giặc không? Các nhà khoa học đang tìm thuốc để diệt virus và mới đây FDA Hoa Kỳ đã phê duyệt thuốc Remdesivir trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Thuốc này đã dùng để điều trị cho ông TT Trump vào năm ngoái. Một doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã mua được một lô 500.000 lọ thuốc này về Việt Nam. Thế nhưng đó mới chỉ là tin tức, trong khi hiện nay số người chết tại TP HCM riêng ngày hôm qua 4/8/2021 đã gần đến con số 200 người.
Ta đã xác định được giặc chính là virus Sars Cov 2 rồi, thế thì tấn công nó bằng cách nào? Chẳng ai có câu trả lời. Lệnh tấn công đó hay tuyệt vời như bảo chuột treo chuông cổ mèo. Hỏi giải pháp thì những cái đầu thông thái bỗng dưng đặc sệt lại, không nghĩ ra được điều gì. Thế nhưng có ai đó đưa ra giải pháp thì các nhà thông thái sẽ lập tức bới lông tìm vết để tấn công vô tội vạ. Năng khiếu của họ là vậy.
Sách vở hàn lâm dường như vô dụng đối với trận dịch này. Mỹ, Pháp với những Viện Hàn Lâm Y Khoa mà còn bối rối trước đại dịch thì các thầy thuốc đọc dăm ba quyền sách y khoa ất ơ có thể làm được gì? Y văn và sách giáo khoa chỉ nêu ra những gì đã trải nghiệm, đã thực nghiệm, đã nghiên cứu ra kết quả có thể lặp lại được. Do đó đối với các vấn đề y khoa thông thường thì y văn là điểm tựa tốt nhất. Thế nhưng con Cô Vịt này là một dạng quái chiêu mà loài người chưa từng đối phó, vậy thì lấy hàn lâm mà đối trị sẽ không ra kết quả.
Việc xác định virus là giặc rồi thì bước tiếp theo phải xác định virus ở đâu để mà tấn công chúng.
Virus trong không khí chăng? Đúng là có virus trong không khí, Bộ Y tế Việt Nam mới đây, sau 16 tháng chống dịch mới xác nhận rằng virus Covid lây qua không khí. Thế nhưng virus chỉ tồn tại trong không khí vài giờ đồng hồ. Sau một đêm ngủ dậy thì đường phố không còn covid nữa, nhưng nó tồn tại rất nhiều trong nhà, phóng thích theo hơi thở của F0. Khi ta đóng cửa ngủ cũng là khi ta hít thờ cùng một bầu không khí virus. Làm sao diệt virus trong không khí? Chỉ có tia UV, nhưng bất khả thi trong dân chúng.
Thế giới Virus COVID thật sự tồn tại chính trong khoang mũi của người bị nhiễm. Ở đó, virus xâm nhập tế bào niêm mạc mũi và sinh sản. Virus không xâm nhập qua da, niêm mạc ruột hay qua vết thương. Virus chỉ tra chìa khóa vào ổ khóa trên bề mặt màng tế bào niêm mạc mũi. Như vậy, nếu tấn công thì phải tấn công vào khoang mũi vì đó là hang ổ của "giặc".
Người Israel khôn ngoan đã có một sản phẩm xịt mũi mà được nói là diệt được đến 99,9% virus trong khoang mũi. Gilly Regev, một nhà khoa học lớn lên ở Israel, người đồng sáng lập công ty SaNOzing đã sáng tạo ra sản phẩm có tên gọi là Enovid, khi xịt vào mũi thì có tác dụng bao phủ lên niêm mạc mũi để chống sự xâm nhập của virus đồng thời chất Nitric Oxyd cũng có tác dụng diệt virus. Tài liệu ở đây: https://www.timesofisrael.com/life-saving-nose-spray-that-kills-99-9-of-viruses-begins-production-in-israel/
Tuy nhiên, theo cơ chế này thì thuốc xịt Enovid chỉ tạo lớp áo bảo vệ niêm mạc và diệt virus còn ở ngoài tế bào chứ không nói làm sao để diệt virus khi nó đang làm ổ đẻ trong nhân tế bào.
Việt Nam chưa có Remdesivir và cũng không có Enovid. Vậy thì có giải pháp nào để tấn công virus? Làm sao để chống dịch như chống giặc? Trong khi các nhà thông thái chưa đưa ra giải pháp hữu hiệu nào thì tôi đưa ra "my two cents", đó là dùng nước muối ưu trương.
Để trị quái chiêu virus, tôi dùng quái chiêu nước muối PHA MẶN. Sách vở hàn lâm chỉ dạy cho các bác sĩ về nước muối sinh lý, tức nước muối đẳng trương, tức nước có 0,9% muối, tương đương với nồng độ muối trong huyết thanh. Sách vở hàn lâm dạy cho các bác sĩ yêu sách giáo khoa rằng dùng nước muối sinh lý để an toàn cho niêm mạc. Thế nhưng quái chiêu của tôi không cần đến an toàn cho niêm mạc mà điều quan trọng là an toàn cho tính mạng trước Covid. Cứ sống trước đi đã, niêm mạc mũi tính sau. Hơn nữa, nước muối ưu trương dùng trong 5-7 ngày là hoàn toàn vô hại.
Tóm lại, ta đã có trăm phương nghìn kế để phòng thủ nhưng đều vô hiệu quả. Chỉ còn một giải pháp duy nhất là dùng nước muối ưu trường để tấn công vào những tế bào bị virus bắt làm tù binh, ức chế nó, không cho nó hoạt động bình thường, phá vỡ vòng sinh sản của virus.
This is my two cents.
Xem chi tiết: Nước muối ưu trương 1,5% có hiệu quả cao trong phòng chống dịch Covid-19
Theo bác sĩ Phan Xuân Trung
Người sáng lập group Giúp nhau mùa dịch